Home / Uncategorized / Bàn về văn hóa trong bữa ăn của người Việt Nam và Người Trung Quốc – Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc

Bàn về văn hóa trong bữa ăn của người Việt Nam và Người Trung Quốc – Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc

hinh-anh-mam-com-dai-khach-da24779d5c6045abb3015666ded944bd
hinh-anh-mam-com-dai-khach-20160119132330887-96521

Tạp chí “Cầu vồng Hữu nghị” số quý 3 năm 2015

Tập san “Cầu vồng Hữu nghị” số thứ 3 năm 2015 do Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc chúng tôi và Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đồng xuất bản hiện đã ra mắt độc giả. Tập san gồm các bài viết của sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Trung Quốc và các bạn sinh viên nước ngoài đang theo học tiếng Việt. Nội dung tập san phong phú, chất lượng, nhằm tăng cường sự hiểu biết và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam – Trung Quốc. Nếu bạn cũng muốn tìm hiểu cuộc sống du học của các bạn lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ cảm nhận của các bạn, bạn có thể viết thư cho chúng tôi cho biết địa chỉ nhận tập san. Các bạn có thể gửi thư đến địa chỉ [email protected], hoặc truy cập chuyên trang Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc trên mạng xã hội FB để nhắn địa chỉ nhận tập san cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gửi tập san “Cầu vồng Hữu nghị” tới các bạn một khi nhận được địa chỉ.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu với bạn bài viết trong tập san “Cầu vồng Hữu nghị” mang tên “Đôi lời bàn về tập tục ăn uống của người Việt Nam và Người Trung Quốc” của bạn Trần Thị An Tuệ, lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có nhiều nét tương đồng và chịu sự ảnh hưởng qua lại về văn hóa truyền thống. Trong bài viết này, tác giả xin mạn phép đề cập tới một khía cạnh rất nhỏ trong đó, chính là một số tập tục ăn uống của người dân hai nước. Mời các bạn lắng nghe bài viết qua giọng đọc của Mẫn Linh.

hinh-anh-mam-com-dai-khach-913507b67ccd499bb5980fb0c5fb87aa

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có nhiều nét tương đồng về văn hóa truyền thống. Trong bài viết này, tác giả xin được mạn phép đề cập tới một khía cạnh rất nhỏ trong đó, chính là văn hóa trong bữa ăn của người dân hai nước.

Những ai đã từng tới Trung Quốc, dùng bữa cơm cùng người dân nước bạn hẳn đều bắt gặp hình ảnh chiếc bàn xoay dùng để bày biện các món ăn. Ở một quốc gia coi trọng lễ tiết như Trung Quốc, việc sử dụng chiếc bàn ấy trong bữa ăn sao cho đúng quy tắc cũng đòi hỏi mỗi người cần tìm hiểu thấu đáo.

Người Việt Nam khi dọn cỗ thường có thói quen chuẩn bị tươm tất và bày tất cả đồ ăn lên mâm rồi mới thưởng thức, nhưng người Trung Quốc lại có thói quen mang từng món ăn lên trong suốt cả bữa ăn. Vì vậy, trong văn hóa của người dân nước này, nếu trên bàn ăn có các bậc tiền bối, có người chủ bữa tiệc hoặc trẻ nhỏ thì khi thức ăn được đưa lên, bạn cần chú ý xoay món ăn đó tới cho người lớn tuổi, chủ nhân hoặc trẻ nhỏ trước, rồi mới chuyển cho người khác. Điều này thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng chủ nhân, tiền bối và sự quan tâm, nhường nhịn cho trẻ nhỏ.

Khi xoay bàn ăn, cần chú ý xoay theo chiều kim đồng hồ, xoay chậm và quan sát cẩn thận. Nếu có người đang còn đang gắp thức ăn mà bạn lại xoay bàn hoặc xoay với tốc độ quá nhanh, xoay ngược chiều kim đồng hồ thì đều bị coi là thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng người khác.

Người Trung Quốc không có thói quen mời nhau khi bắt đầu bữa ăn, họ cũng thường không gắp thức ăn cho người khác mà mỗi người đều tự chủ động ăn uống theo sở thích của mình. Cũng giống như người Việt, người Trung Quốc khi mời bạn bè dùng bữa thường gọi rất nhiều món ngon, nếu gọi ít hoặc gọi vừa đủ thì sẽ bị coi là keo kiệt hoặc không hiếu khách, không chân tình.

hinh-anh-mam-com-dai-khach-1634cd4e70d343e99192cc7db04abbe2

Đối với người dân Việt, trong mâm cơm của họ, đặc biệt là người dân miền Bắc và miền Trung, có rất nhiều quy tắc, lễ nghi mà nếu không học hỏi tận tường, thấu đáo thì bạn khó có thể nắm bắt được hết. Tới bữa ăn, nếu ai còn có việc thì phải có người ra mời. Đợi khi cả nhà đã ngồi vào mâm đông đủ, con cháu sẽ lần lượt mời từ trên xuống, mời từng người một rồi mới được phép cầm đũa. Với người Việt, lời mời là biểu hiện của thái độ kính trọng, lễ phép, văn minh. Trên mâm cơm, đặc biệt khi có khách tới nhà, gia chủ sẽ gắp đồ ăn ngon vào bát cho khách, cha mẹ gắp thức ăn cho ông bà, rồi ông bà lại gắp nhường cho các cháu. Ấy là tấm chân tình của người Việt! Người Việt khi ăn cơm rất chú ý đến cách ăn, họ quan niệm rằng, cách ăn còn quan trọng hơn cả món ăn. Khi ăn không được nhai chóp chép, nhồm nhoàn, uống canh không được để phát ra tiếng. Chú ý phải một tay cầm đũa, tay khi nâng bát, không bao giờ được đặt bát xuống bàn để và thức ăn, người nào làm như vậy sẽ bị coi là thô lỗ, “phàm ăn tục uống”.

Người Việt không có thói quen sử dụng bàn xoay như người dân Trung Quốc, đồ ăn sẽ được bày biện hết lên mâm một lần. Vì vậy, khi gắp thức ăn, mọi người cũng phải chú ý quan sát trước để không bao giờ đan chéo đũa với người khác trên mâm cơm. Khi lựa chọn đồ ăn, bạn cần khéo léo nhìn và chọn trước rồi đưa đũa gắp một lần, không được phép khoa đũa trên mâm, khi đã gắp miếng nào thì không được bỏ lại, cũng không bao giờ được gắp liên tiếp một món ăn vào trong bát của mình mà chỉ được lấy từng ít một, ăn hết mới được phép lấy tiếp. Khi dùng bữa với người dân Việt Nam, bạn cũng cần chú ý không gõ bát đũa hay gõ mâm, vì người Việt tin rằng tiếng gõ đó sẽ mang đến sự xui xẻo, kêu gọi ma quỷ tới nhà.

Tới một gia đình Việt Nam và cùng họ ăn một bữa cơm, bạn sẽ thấu hiểu những lễ tiết tưởng chừng như rất phức tạp nhưng đã ăn sâu vào trong máu của mỗi người dân Việt Nam, và theo một cách rất tự nhiên được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cũng thường vừa ăn cơm vừa trò chuyện rất vui vẻ, nhưng họ không bao giờ được phép mang bực dọc hay những chuyện không vui nói trong bữa ăn. Trên mâm cơm, bà hoặc mẹ, con gái lớn, con dâu bao giờ cũng ngồi đầu nồi để xới cơm. Người đầu nồi vừa ăn vừa ý tứ quan sát cả nhà, xem ai sắp hết bát thì dừng tay để xới cơm, không để ai phải chờ. Con cái nếu ăn xong bữa, muốn đứng lên trước thì phải xin phép người lớn tuổi và mời mọi người tiếp tục dùng cơm. Gia chủ mời khách tới nhà dùng bữa mà đứng dậy khi khách chưa ăn xong thì bị coi là khiếm nhã, ấy cũng bởi người Việt vốn rất thịnh tình, hiếu khách. Ông bà thường nhắc nhở con cháu rằng: “Chớ eo xèo khi đãi khách, Đừng hậm hực lúc ăn cơm”.

Có thể thấy rằng, dù phong tục hai quốc gia có những điểm riêng biệt, nhưng tựu chung lại, không quản là bữa cơm gia đình hằng ngày giản dị hay tiệc chiêu đãi thịnh soạn, trong mỗi bữa ăn của người dân hai nước, điều quan trọng nhất chính là ở không khí đầm ấm, vui vẻ. Sự kính trọng các bậc tiền bối, nhường nhịn cho con trẻ, tấm lòng mến khách, chân tình của gia đình đều được khắc họa rõ nét qua từng cử chỉ rất nhỏ được thể hiện trên bàn ăn.

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, tác giả chỉ xin mạn phép trình bày những nét cơ bản nhất về văn hóa trong bữa cơm của người dân Việt Nam và Trung Quốc. “Nhập gia tùy tục”, hy vọng qua bài viết này, độc giả sẽ có thêm cho mình những hiểu biết mới về phong tục của mỗi quốc gia, để nếu có dịp được ngồi dùng bữa với người dân nước bạn, mỗi chúng ta sẽ thể hiện được nét văn hóa và sự hiểu biết của mình, từ đó mang lại cảm giác vui vẻ và thoải mái cho tất cả mọi người trên bàn ăn.

CRI.CN

Check Also

mon-ngon-cho-be-4-tuoi-slider-20171115-1510762327964294

Thức ăn dinh dưỡng cho trẻ từ 4 – 5 tuổi | Gia Đình Nestlé

4-5 tuổi là độ tuổi trẻ đã hình thành ý thức, rất tích cực tìm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *