Chị Lê Thị Hồng Thắm luôn biết cách ra sự độc đáo, thơm ngon cho những món ăn chị làm, để con trai chị thích thú và hào hứng hơn mỗi khi đến giờ ăn cơm.
Chị Lê Thị Hồng Thắm hiện tại đang làm giáo viên tại Đồng Nai. Mẹ trẻ 8x dù khá bận rộn với công việc dạy học nhưng theo chị, chỉ cần biết sắp xếp thời gian, khéo léo một chút, chịu khó học hỏi một chút là mẹ có thể chế biến được thật nhiều món ngon, trang trí được thật nhiều bữa ăn đẹp cho bé. Với chị, việc nấu nướng cho con chưa bao giờ cảm thấy cực nhọc.
Mỗi bữa ăn của cậu con trai Tấn Minh lại mang đến cho chị nhiều cảm hứng và niềm vui. Cùng trò chuyện với bà mẹ khéo tay này để có thêm thật nhiều cảm hứng trong việc chế biến đồ ăn cho con, để hành trình ăn dặm của bé luôn luôn có nhiều niềm vui, không phải là “cuộc chiến”.
Dành thời gian thứ 7, chủ nhật chuẩn bị đồ ăn cho con
– Chào chị, nhìn vào “list” những món ngon mà chị làm cho con, các mẹ thường nghĩ chị khá rảnh rỗi chỉ ở nhà trông con và nấu ăn. Tuy nhiên, được biết chị lại rất bận rộn với công việc của một giáo viên. Chị có thể chia sẻ cách chuẩn bị thức ăn cho con như thế nào khi quỹ thời gian hạn hẹp như vậy?
– Công việc của mình khá bận rộn nên mình thường chuẩn bị đồ ăn cho con vào ngày nghỉ, sơ chế và trữ đông sẵn. Thứ 7 mình thường chuẩn bị các món đạm cho con ăn cả tuần. Chủ nhật đi siêu thị để chuẩn bị nước dùng và rau củ.
Thịt heo, bò mình thường mua ở siêu thị. Tôm, cá, lươn, ếch mua sống ngoài chợ. Cua mình thường mua về chế biến cho con ăn ngay hôm đó. Gà, chim bồ câu, chim cút cũng mua sống và nhờ người bán làm luôn.
Tất cả thực phẩm chuẩn bị cho bé ăn trong vòng 1 tuần sẽ mang về sơ chế
Thịt heo, bò, gà rửa sạch, sau đó rửa qua nước muối loãng, rửa riêng từng loại, rửa lại bằng nước đun sôi để nguội, vì thịt trữ nên phải cẩn thận, rửa xong để thật ráo nước. Mình thường cắt nhỏ miếng thịt thành từng phần 25g rồi đem trữ, khi nào nấu mới đem 1 viên 25g ra rã đông rồi băm.
Đối với cá, lươn cũng vậy, làm sạch sẽ rồi để ráo nước. Sau đó cắt con cá thành từng khúc, từng khoanh đủ cho 1 lần ăn, bỏ hộp trữ, khi nấu mới đem ra rã đông, hấp, gỡ xương, rồi mới nấu vậy sẽ ít mất chất và ngon hơn.
Gà, ếch, chim cút, chim bồ câu thì cũng làm sạch, ráo nước xong, lóc phần thịt phi lê xay hoặc băm hoặc trữ nguyên miếng 25g.
Phần xương đầu cổ cánh gà thì đem luộc lấy nước dùng trữ đông nấu cháo trong tuần cho bé. Gan và trứng non không nên trữ vì khi trữ lấy ra nấu bị chai cứng không ngon. Nên hôm nào cuối tuần là mình mua gà về sau khi lấy 1 phần thịt ức đủ trong tuần cho con, phần còn lại luộc bóp gỏi cho gia đình. Trứng non và gan luộc cho con ăn hôm đó luôn, nấu cháo đậu xanh với nước dùng gà.
Tôm thì rất đơn giản, chỉ việc cắt râu, rửa sạch, ráo, trữ 1 phần 2-3 con tuỳ kích thước, cân đối phần thịt tôm khoảng 25g. Khi nấu mới đem rã đông hấp hoặc lột vỏ băm rất nhanh. Mình thường rã đông tôm xong lột vỏ băm nhuyễn, phi hành tím với dầu hạt cải chuyên dùng để chiên xào cho bé để xào tôm qua cho thơm ngon trước khi cho vào cháo.
Mình cũng thường trữ sẵn trứng gà ta và các loại ruốc như: ruốc cá hồi, ruốc trứng cá tuyết, ruốc cá lóc, ruốc gà, ruốc tôm, ruốc thịt heo… cho những bữa sáng mẹ bận rộn hoặc có việc đột xuất không có thời gian chế biến đồ ăn cho con. Các loại ruốc này mình làm vào ngày nghỉ, để ngăn mát cho bé dùng được 30 ngày.
Xử lý rau củ quả ngay sau khi mua về
– Chị thường chế biến sẵn các loại rau củ quả như thế nào?
– Mình thường đi siêu thị mua tất cả những loại rau củ cần thiết. Mình cũng thường mua đa dạng, đủ loại, đủ màu sắc, chú trọng các loại nhiều dinh dưỡng. Rau mình thường hay mua loại rau khô ráo để trữ được trong ngăn mát lâu hơn. Tất cả các loại rau xanh mình nghĩ không nên trữ đông vì sau khi hâm nấu lại gần như chỉ còn chất xơ, vitamin và chất dinh dưỡng hao hụt khá nhiều.
Rau mua về mình nhặt lá sâu, lá úng, loại bỏ đất cát, không rửa và để mỗi loại rau vào túi zipper riêng. Khi nấu cho bé thì lấy ra một ít, phần còn lại để cả nhà ăn. Trong 3 ngày đầu của tuần nên ưu tiên chọn món mặn phù hợp với các loại rau để nấu vì sau 3 ngày, giá trị dinh dưỡng của rau giảm hẳn.
Củ quả cũng chọn loại tươi nhưng không vấy nước, cho vào túi zipper trước khi cất ngăn mát để củ quả được tươi lâu. Những ngày sau mình thường cho con ăn củ quả. Một củ to có thể ăn nhiều lần. Khi dùng lấy ra cắt một phần và chỉ rửa phần đó để sơ chế. Tuyệt đối không gọt vỏ hết phần củ quả còn thừa.
– Chị thường chuẩn bị nước dùng rau quả như thế nào?
– Mình thường chọn những loại luộc ngọt nước như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, khoai tây, bắp cải… Sau khi luộc mình lấy nước cho vào hộp trữ riêng cho từng lần ăn. Phần xác củ quả một phần mình xay hoặc nghiền riêng từng loại chia hộp trữ cho bé đổi món đa dạng trong tuần, một phần mình trữ nguyên miếng để bé tập ăn thô.
Tiết kiệm tối đa thời gian khi nấu nướng nhưng vẫn có món ngon dành cho con
– Chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm chế biến đồ ăn giúp con ăn đủ chất, ngon miệng hơn mà lại tiết kiệm thời gian cho mẹ ?
– Để các món ăn mẹ nấu được thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng, cần lên kế hoạch nấu nướng cụ thể. Mỗi bữa bé ăn thường có 3 món:
Món phụ là củ quả thì chọn một hộp củ quả nghiền đem rã đông, vừa nhanh vừa đủ món, đủ chất. Buổi tối mình lấy từ ngăn đá để lên ngăn mát thì sáng mai sẽ rã đông xong. Mình hâm nóng bằng cách hấp cách thủy hoặc cho vào nồi cơm của gia đình khi cơm đã cạn và gần chín, cho vào đủ nóng là lấy ra ko để lâu hao hụt chất dinh dưỡng.
Thêm 1 món rau củ cho bé tập bốc nhón, tập ăn thô (BLW) thì mình hấp hoặc luộc 1 loại củ quả có sẵn trong ngăn mát, sơ chế và cho lên hấp hoặc luộc rồi hãy bắt đầu nấu cháo. Như vậy khi cháo chín thì củ quả cũng đã chín. Hoặc lấy mấy thanh củ quả trữ đông ra hấp lại là xong.
Cháo thì sáng sớm mình nấu một nồi cháo trắng, vừa nguội mình để vào ngăn mát ngay để dùng cho 3 bữa trong ngày. Cháo để tủ lạnh đem ra nấu sẽ mềm mịn rất ngon không như khi nấu mới đi vo gạo nấu thì hạt cháo sẽ rời rạc không ngon lắm.
Khi nấu món ăn chính là cháo thịt hoặc cá thì chọn 1 loại thịt/cá… Sơ chế hoặc rã đông nếu trữ đông. Lấy 1 hộp nước dùng đã rã đông cho vào nồi, cho thịt đã xay hoặc băm vào đảo đều cho tan mịn, cho lên bếp đun sôi vớt bọt, cho cháo trắng đặc vào, đảo đều, cháo sôi thì nêm nếm (bé trên 12 tháng mới nêm). Khi cháo sôi lại thì cho rau đã cắt nhỏ vào (không cắt rau quá 5 phút trước khi nấu sẽ hao hụt vitamin). Trong khi đợi cháo sôi là lúc cắt rau, nên nêm cháo trước khi cho rau vào sẽ ngon hơn vì sau khi cho rau vào vài ba phút sôi lại là tắt bếp.
Sau khi tắt bếp vài phút lúc cháo khoảng 55 – 60 độ là nhiệt độ tốt nhất để cho dầu ăn của bé vào giúp dầu không mất chất. Tuyệt đối không cho dầu vào khi đang nấu, khi cháo đang sôi vì dầu của bé là dầu ăn chín, nếu đun sôi sẽ mất chất.
Nếu nấu cháo với củ quả thì khi nước dùng chứa thịt sôi, cho củ quả vào, nấu khi nào củ quả mềm mới cho cháo trắng đặc vào, nêm nếm, sôi lại thì cho hành ngò vào, tắt bếp cho dầu vào, cháo củ quả nên cho hành ngò để thơm ngon và tập bé ăn cho quen. Nhiều bé từ nhỏ mẹ không nêm hành, lớn lên không chịu ăn hành khi ăn cơm chung với gia đình rất bất tiện.
Ngắm những bữa ăn hàng ngày chị Hồng Thắm dành cho con trai của mình:
Cơm trộn bột khoai lang tím. Lươn đồng xào khổ qua tây với dầu cải và hành tím, nêm tí mắm Ngư nhi cho dậy mùii Bí đỏ luộc Ruốc heo sạch Canh nước luộc bí đỏ với rau muống , nêm bột dashi Nhật và dầu oliu Nhật. (Ảnh NVCC) |
Mộc Hương
Theo Đời sống & Pháp lý
VIỆT NAM MỚI