Cũng ăn Tết Nguyên Đán, nhưng các dân tộc vùng núi có những món vô cùng đặc sắc và lạ lẫm – Ảnh 1.
Bánh láo khoải
Đây là một loại bánh của người dân tộc Mông. Bánh láo khoải còn được gọi bằng cái tên khác là lức khoải hay rớ khoải. Món bánh này không được làm thường xuyên mà chỉ hay xuất hiện vào dịp Tết.
Nguyên liệu chính để làm bánh láo khoải là ngô nghiền đồ chín, sau đó nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, bôi mỡ trộn mật ong xung quanh.
Khi ăn, bánh sẽ được thái mỏng rồi nướng trên than củi hoặc thái chỉ nấu với đường, ngoài ra cũng có thể dùng bánh láo khoải để nấu với quả đậu Hà Lan như nấu canh.
Bánh chưng đen
Trong khi ở miền xuôi, chúng ta đã quen thuộc với bánh chưng xanh thì một số dân tộc vùng cao như người Tày, người Thái… lại có món bánh chưng đen vô cùng lạ mắt.
Để tạo ra màu đen của bánh chưng, người ta sử dụng tro đốt rơm hoặc một số loại cây rừng, rây thật mịn rồi trộn với gạo nếp thơm. Thứ màu đen bóng của tro ngấm vào từng hạt gạo nếp mọng căng, dùng tay miết vẫn vẹn nguyên màu đen mới là đạt yêu cầu.
Cũng với nhân thịt lợn, đỗ xanh nhưng bánh chưng đen của các dân tộc vùng cao lại được gói thành đòn như bánh tét của người trong Nam. Khi cắt ra, miếng bánh tròn trịa, dẻo quánh với phần nhân vàng ươm, thơm mùi cây cỏ núi rừng.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người dân tộc Thái. Thịt trâu khô xé nhỏ ăn với xôi nếp là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ đãi khách ngày Tết của người Thái.
Thịt trâu gác bếp được làm rất kì công và mất thời gian. Người ta phải ướp thịt trâu với rất nhiều loại gia vị đặc trưng như hạt tiêu rừng, gừng, ớt, sả băm nhỏ, muối hạt, rượu cái, hạt mắc khén… Sau đó, thịt được treo lên, sấy bằng khói bếp âm ỉ từ ngày này qua ngày khác trong suốt 2 tháng, tới khi chuyển sang màu khói đen, thịt khô lại mới được.
Sau này, thịt trâu gác bếp đã được phổ biến hơn ở nhiều vùng dân tộc thiểu số vùng cao và còn trở thành món đặc sản được săn lùng ở các tỉnh miền xuôi mỗi dịp Tết về.
Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp là tên của món cá gập nướng, là một đặc sản của người Thái ở vùng Tây Bắc. Đây là một món không thể thiếu trong những ngày lễ Tết, đặc biệt là trên mâm cơm đãi khách.
Những con cá chép, trắm, trôi… thật tươi sau khi được làm sạch vẩy sẽ được mổ dọc sống lưng rồi nhồi các nguyên liệu vào và gập lại, sau đó nướng trên than hồng. Thịt cá nướng xong ngấm đẫm gia vị, ngọt, ăn chắc là được.
Bánh cooc mò
Bánh cooc mò hay còn gọi là bánh sừng trâu xuất hiện ở khá nhiều vùng dân tộc thiểu số, dễ thấy ở địa bàn của người Tày, Nùng hay dân tộc Cờ tu. Người ta thường làm loại bánh này vào dịp lễ Tết hoặc những sự kiện quan trọng.
Chiếc bánh này vô cùng giản dị, chỉ độc một nguyên liệu là gạo nếp. Tuỳ từng nơi, người ta dùng lá dong, lá chuối hoặc lá đót để gói bánh. Chiếc bánh có hình nhọn như chiếc sừng trâu. Phần ruột bên trong dẻo, ngấm hương vị của những loại lá cỏ thanh khiết, đậm chất rừng núi.
Xôi ngũ sắc
Món xôi ngũ sắc này có thể thấy ở rất nhiều gia đình dân tộc thiểu số, trong đó hay gặp nhất là những nhà người Tày. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho sự may mắn với 5 màu tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Những màu sắc dùng để tạo màu cho gạo đều được lấy từ những loại quả, cây cỏ tự nhiên: màu trắng nguyên thuỷ của nếp, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá cây cơm xôi hoặc gừng, màu vàng của nghệ, màu tím của lá cơm đen hoặc lá cây sau… Tuỳ từng vùng hoặc truyền thống của từng dân tộc, 5 màu xôi có thể sẽ khác nhau.
Khâu nhục
Khâu nhục là một trong những món đặc sản quen thuộc trong các dịp lễ Tết, đám cưới, đám hỏi… của người Tày, người Nùng, người Sán Dìu…
Khâu nhục là thịt được ướp đẫm gia vị gồm các loại như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…, sau đó hấp cách thuỷ tận nửa ngày cho thịt thật mềm. Miếng thịt khâu nhục khi ăn cho cảm giác như tan trong miệng mới là đạt đủ độ ngon.
KENH14.VN