Nếu có ai nhỡ hỏi nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam mình là điểm đến lý tưởng để đi du lịch nghỉ dưỡng, chắc chắn trong đầu mình chỉ có 1 cái tên thôi: Đà Lạt. Ở đó có hoa cỏ tươi mướt, có bầu trời xanh vời vợi, và đặc biệt là có rất nhiều đồ ăn ngon. Buổi tối ở Đà Lạt còn món gì ngon hơn là lẩu, giữa cái tiết trời lạnh giá cả tay mà được xì xụp nước lẩu bò Ba Toa ngọt thơm nghi ngút khói thì còn gì hạnh phúc bằng. Mùa đông Hà Nội chẳng có nơi nào bán món lẩu bò cực đỉnh này cả, khiến mình đâm nhớ nhung quá nên phải tự chế cách làm lẩu bò ba toa tại nhà đây, cũng giống bản gốc được đến 90% rồi đó.
Lẩu bò ba toa mình ăn là ở quán gỗ màu xanh. Căn nhà mặc dù cũng nhiều năm tuổi rồi, và lượng khách thì đông lắm cứ ra vào tấp nập, vậy mà vẫn được giữ khá là sạch sẽ. Bàn ghế thì màu nâu sậm, cũng nhỏ nhắn thôi, nhưng mà tổng thể thì cả quán ăn nhìn ấm cúng lắm. Kể ra nếu đi cùng bạn bè mà vào đây nhắm lẩu với cụng vài ly bia thì là trọn vẹn buổi tối rồi.
Mình nghĩ không phải tự dưng mà lẩu bò ba toa quán gỗ nổi tiếng. Đơn giản là vì nó rất ngon. Nước lẩu bò màu nâu đậm, hơi sánh, và ngọt nhẹ. Khác với phần lẩu ngoài Hà Nội chỉ có mỗi nồi nước còn thịt thà được để bên ngoài, ai ăn mới nhúng, thì phần lẩu bò ở Đà Lạt này lại cho tất tật thịt bò và đậu trắng vào trong nồi ngay từ đầu. Từng miếng thịt bò thái dày thớ cỡ nửa phân, lại còn to bản, hầm nhừ nên ăn đã cái miệng lắm. Phần thịt có cả nạc cả nạm nên tùy khẩu vị mỗi người mà gắp miếng phù hợp. Còn đậu thì cắt miếng vuông, cho vào nấu nước dùng nên rất ngấm vị ngon ngọt, ăn miếng nào phải xuýt xoa miếng ấy, vì ngon, mà còn vì nóng nữa.
Nước dùng của Lẩu Bò Ba Toa có màu nâu đục, nên theo mình biết có 2 cách để có thể có được màu này, đó là:
- Nước luộc thịt bò: khi tiết còn dính trong thịt tiết ra, nước sẽ trở thành màu nâu. Nhưng nếu chỉ dùng nước luộc thịt không thôi thì chắc là khó có được vị ngọt như vậy. Và để có được màu nâu đậm thì chắc sẽ cần một lượng lớn thịt bò so với lượng nước dùng.
- Nước hầm xương bò: Để nước hầm xương bò có màu nâu đẹp, thì người Pháp đã dùng cách nướng xương bò, và mình nghĩ đây là cách khá phù hợp để làm tại Việt Nam.
Ngoài ra, để bổ sung vị ngọt cho nước thì mình sẽ hầm xương bò nướng với củ cải và hành tây. Củ cải và hành tây là hai loại rau củ tự nhiên mà mình rất tâm đắc vì hầu như không làm thay đổi mùi nước dùng, nhưng sẽ mang lại vị ngọt tự nhiên và khiến nước dùng thanh hơn một chút. Hơn thế nữa, giá hai loại rau củ này thường cũng không đắt chút nào.
Thịt bò trong món Lẩu Bò Ba Toa là từng miếng thịt vuông vức, dày dặn nhưng lại rất mềm, mặt lại phẳng giống vừa được thái. Thông thường nếu thái thịt bò từ lúc sống và bỏ vào nồi nước hầm thì mặt thịt bò sẽ không còn được mịn nữa. Còn nếu luộc nhừ như của Lẩu Bò Ba Toa xong thái thì sẽ dễ bị nát, nên mình chọn một cách kết hợp cả 2 cách trên.
Thịt bò sẽ được luộc chín, nhưng vẫn còn dai, sau đó được thái miếng dày và tiếp tục bỏ vào nồi ninh tiếp đến khi đạt độ mềm vừa ý. Bằng cách này, thịt bò vẫn chín mềm và vẫn đảm bảo hình dạng đẹp như trong món Lẩu Bò đặc sản Đà Lạt này.
Nước chấm của Lẩu Bò Ba Toa có màu trắng đục và khá đặc, và khá dậy mùi. Mình đoán nó được pha từ chao và thêm chút ớt chưng. Mỗi tội là mình không thích vị này lắm nên nếu nấu lẩu ở nhà thì thường pha xì dầu tỏi ớt để chấm thịt bò, kể ra cũng hợp lắm đó.
Loại mỳ được ăn cùng Lẩu Bò Quán Gỗ là mỳ trứng. Mình chưa bao giờ ăn mỳ trứng với lẩu, và cũng không phải là fan của loại mỳ này vì thấy nó cứ nhàn nhạt chẳng có vị mấy. Ấy thế mà phải gật gù công nhận là nó đi với nước lẩu bò thật là hợp quá hợp.
Sợi mỳ trứng khi chín sẽ hơi mềm dính, và khá là thấm nước dùng. Hơn nữa, sợi mỳ trứng không có vị mặn như mỳ tôm, cũng không bị chua như bún, thành thử không làm biến đổi vị nước dùng, khiến cho người ăn cảm nhận được trọn vẹn hơn vị ngon của nước – điểm mấu chốt của món lẩu bò này.
Rau trên Đà Lạt ăn lẩu là quá ngon rồi vì nó tươi và non mơn mởn, ngon hơn rất nhiều rau trồng xứ đồng bằng. Ở Hà Nội có lẽ khó kiếm một số loại rau của Đà Lạt nên mình nghĩ chỉ cần dùng cải thảo, rau muống là ăn lẩu cũng rất hợp rồi đó. Ngoài ra thì có thể thả thêm đậu trắng ăn kèm lẩu, mình thấy cũng rất hợp và ngon.
Ngoài ra, đây là món lẩu đậm vị ngọt chứ không chua cay nên có thể nếu chỉ có các loại rau đơn giản thì hơi “buồn tẻ” một chút, mình nghĩ là thêm một chút mùi tàu, húng chó để nhúng lẩu sẽ khiến món lẩu hấp dẫn hơn rất nhiều đó. Ngoài ra nhà mình còn hay ăn cả trứng trần cùng lẩu, cũng ngon lắm lắm luôn.
- 300 gr Xương ống bò (chọn khúc nào nhiều tủy, mình hay mua xương trong Lotte Mart họ cắt khúc nên dễ lấy tủy lắm)
- 1.5 lít nước
- 1 tbsp dầu ăn
- 2 Củ cải
- 3 Củ hành tây
- 1 kg Thịt bò nạm
- 1 tbsp đường phèn
- Gia vị để nêm nếm
- Làm nóng lò nướng ở 200 độ C trong khoảng 10 phút
- Phết một chút dầu ăn lên chỗ xương bò, bỏ xương vào lò nướng đến khi xém vàng nâu (Nếu không có lò nướng thì có thể nướng xương trên bếp than)
- Bỏ thịt bò, xương, và một chút gia vị cho đậm vị vào nồi nước lạnh, luộc trong khoảng 1 tiếng thì vớt thịt bò ra, thái thành từng miếng vừa ăn rồi lại bỏ vào nồi ninh tiếp.
- Khoảng nửa tiếng sau thì vớt các miếng thịt bò ra một bát riêng
- Tiếp tục ninh xương bò và các loại gia vị ở trên với lửa liu riu trong khoảng 3-4 tiếng nữa, nêm lại gia vị vừa ăn. Chịu khó hớt bọt, hoặc như mình thì thường sau khi ninh nước xong sẽ dùng một chiếc khăn xô sạch để lọc hết những bọt bẩn mà chưa vớt hết được lúc nấu. Thành phẩm nước dùng cuối sẽ trong vắt nhé. Lưu ý là trong quá trình ninh xương, nếu nước xương bị cạn thì bổ sung thêm nước NÓNG và cứ đun tiếp nhé.
- Sau khi vớt xương ra, và đã lọc sạch nước dùng, lúc này mình sẽ làm thêm 1 bước nhỏ nữa là dùng đũa khều nhẹ phần tủy ra khỏi khúc xương, và dằm nát trong nước dùng (lấy ý tưởng từ nước dùng ramen gote-gote của nhật, cũng béo ngậy một lớp thế này)
- Cho thịt bò vào nồi, bỏ đậu và nước dùng vào
- Sắp xếp rau, mỳ trứng, nước chấm
- Mời gia đình, hoặc rủ bạn bè đến thưởng thức cùng
Thế là món Lẩu Bò Ba Toa kiểu nhà mình đã hoàn thành rồi! Bố mình và các chú hàng xóm thích ăn món này nhắm rượu lắm luôn. Cách làm thì theo mình là cũng đơn giản thôi, chỉ mất thời gian hơn một chút đoạn nướng xương bò thôi ấy mà, nhưng thành phẩm thì cũng đáng công lắm. Xì xụp nồi lẩu bò giữa thời tiết Hà Nội lạnh mà lại mưa phùn thế này thì còn gì bằng, nhỉ? Nếu ai mà thích ăn đuôi bò hoặc gân bò, thì có thể bỏ vào ninh cùng với thịt bò luôn cho nhừ, nhưng đừng ninh kỹ quá phải còn hơi dai dai ăn nó mới ngon. Còn mình thì mình thì thường chỉ ăn mỗi phần thịt thôi. Các bạn cũng làm thử và chia sẻ ảnh thành phẩm với mình nhé!
MYA KITCHEN